(TBKTSG) - Có thể nói, sự ra đời của Trung tâm Thời trang Lega Fashion,
Viện Mẫu thời trang Fadin từ những năm 1990 đã đặt nền móng đầu tiên
của nền công nghiệp thời trang Việt Nam. Sau đó, sự tiên phong phát
triển thời trang nội địa của một loạt thương hiệu hẳn là một bước tạo đà
thuận lợi cho công nghiệp thời trang. Nhưng cho đến lúc này, Việt Nam
vẫn đang ở khâu gia công chi phí thấp cho ngành may mặc nước ngoài, và
kỳ vọng về một nền công nghiệp thời trang quốc gia vẫn ngoài tầm với.
“Việt Nam là cường quốc xuất khẩu dệt may của thế giới, kim ngạch xuất
khẩu hàng dệt may năm ngoái vượt mức 20 tỉ đô la Mỹ, mục tiêu từ năm
2017-2020, dệt may nước ta sẽ đứng thứ hai, thứ ba trong tốp các nước
xuất khẩu dệt may lớn nhất trên toàn thế giới. Nhưng cho đến nay vẫn
chưa có nền công nghiệp thời trang chuyên nghiệp...”, nhà thiết kế (NTK)
Minh Hạnh cho biết.
Tìm nhà thiết kế như mò kim đáy bể
Công nghiệp thời trang cần được coi là một trong những ngành công
nghiệp chủ lực của quốc gia. Ngành công nghiệp này không chỉ tiên phong
đưa ra các xu hướng thời trang mang bản sắc dân tộc và định hướng người
tiêu dùng Việt Nam trong việc chọn lựa hàng may mặc mà quan trọng hơn,
công nghiệp thờitrang sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may, chấm dứt tình trạng sản xuất công nghiệp gia công giá rẻ cho nước ngoài.
NTK Minh Hạnh cho biết: “Công nghiệp thời trang cần được hiểu là chuỗi liên kết gồm các yếu tố: thiết kế, nguyên liệu, sản xuất, phân phối... và các khâu phải phát triển một cách đồng bộ. Nhưng chúng ta đã có một “lỗ hổng” lớn ngay khâu đầu tiên”.
Ngành may mặc Việt Nam đã có từ rất lâu nhưng mãi đến năm 1996, chúng ta mới có những lớp đào tạo ngành thiết kế thời trang đầu tiên. Bà Minh Hạnh nói: “Sinh viên ngành thời trang được đào tạo kém bài bản và thiếu trách nhiệm bằng giáo trình sơ sài và giảng viên thì chưa có đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm. Không quá bất ngờ khi học viên tốt nghiệp không có đủ kiến thức nền nên ngay cả khả năng phân biệt được các chất liệu và ý tưởng thì xa rời với thực tế cuộc sống”.
Một vài năm gần đây đã xuất hiện một số đơn vị liên kết với các trường đào đạo nước ngoài nên ngành thiết kế thời trang Việt Nam được đào tạo tốt hơn trước nhưng vẫn chưa đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết. Theo bà Minh Hạnh, “việc đào tạo xa rời thực tế đã khiến cho phần lớn các nhà thiết kế trẻ mới ra trường không được đánh giá cao bằng một người công nhân lành nghề”. Những cuộc thi về thiết kế thời trang tổ chức liên tục nhưng với mục đích quảng bá cho các sản phẩm tiêu dùng và ban giám khảo đôi khi lại là những “chân dài” cho đẹp đội hình và thu hút khán giả thì kết quả cũng như một chương trình truyền hình thực tế vui mắt. Các bạn trẻ có đam mê và năng lực cũng hoang mang về điểm đến trong thời trang, về tương lai của mình dù có được giải thưởng hay không.
Phần lớn các nhà thiết kế hiện nay chỉ dừng lại ở khả năng phát triển mẫu (thay đổi dựa trên mẫu có sẵn) chứ chưa tạo được phong cách cá nhân. Chính vì vậy mới có trường hợp “đạo” thiết kế bị báo chí lên tiếng chỉ trích. “Đi tìm một nhà thiết kế có cá tính, phong cách riêng đã khó thì làm sao mà tìm ra một phong cách Việt Nam? Thời điểm này, rất nhiều bạn trẻ đã ra trường với văn bằng thạc sĩ thiết kế thời trang, nhưng hầu hết đều không thể kiếm được việc làm mặc dù rất thiếu các nhà thiết kế làm việc trong các công ty may mặc. Tìm được một nhà thiết kế bình tâm tôi luyện bản thân trong thử thách, hiểu được giá trị nghề, không chạy theo những giá trị ảo của danh vọng và tiền tài đã là niềm mong ước rất khiêm tốn của ngành thời trang Việt Nam”, bà Minh Hạnh cho biết.
Bài toán về nguyên liệu
Không thể có nền công nghiệp thời trang nếu không có chất liệu. Ngành
dệt may đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu với tỷ lệ đến
86%, riêng vải nhập từ Trung Quốc chiếm đến 46% (số liệu từ Bộ Công
Thương). “Thực tế, Việt Nam có thể phát triển nhiều chất liệu cao cấp
không kém gì các nước xuất khẩu vải, thậm chí cả da cá sấu, nhưng vì
không có chính sách phù hợp nên một số nhà máy trong nước chỉ sản xuất
vải sợi cơ bản, không sáng tạo chất liệu mới, còn những chất liệu quý
đang bị chảy máu trầm trọng”, NTK Minh Hạnh nói.Chất liệu quý hiếm bậc nhất thế giới là da cá sấu cũng đang lâm vào tình trạng này. Nuôi cá sấu là nghề vất vả và tốn nhiều thời gian, nhưng chúng ta dễ dàng bán cho Trung Quốc khoảng 3.000 con cá sấu nhỏ mỗi tháng để phục vụ cho nhu cầu ẩm thực. Da cá sấu thì được bán ra nước ngoài với giá rẻ dạng “da muối” (da chưa thuộc). Nếu không có ngay những chính sách hỗ trợ thì Việt Nam làm sao có thể tự hào khi chỉ có những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và èo uột.
Đã có những ý tưởng về chợ nguyên liệu, siêu thị kinh doanh nguyên phụ liệu dệt may quy mô quốc gia được họp bàn nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Những cuộc triển lãm nguyên vật liệu hàng dệt may không thu hút người tham gia. Nơi cung cấp nguyên phụ liệu lớn nhất của các nhà thiết kế TPHCM vẫn là chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Tân Bình... và chủ yếu bán vải nhập.
Vì thế, chúng ta vẫn chưa có thương hiệu dệt may nào đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Chúng ta đã có những thương hiệu phát triển kinh doanh thời trang trên dưới 10 năm với chất lượng sản phẩm cạnh tranh nhưng chưa có thương hiệu nào có thể tạo nên các trào lưu thời trang theo từng mùa, ngay cả trên thị trường nội địa.
Hiện nay, chúng ta đang có đội ngũ sản xuất tốt, nhân công giá rẻ mà kỹ năng sản xuất tốt hơn các nước trong khu vực. Hệ thống kênh phân phối và những người làm thương hiệu thời trang đang có những bước tiến đáng kể. Những chuyến đi của nhiều nhà thiết kế đến với nền công nghiệp thời trang Ý, Pháp được xem như những cuộc giới thiệu và định vị cho bản sắc Việt.
“Với thời trang, cần phải có chiến lược phát triển vĩ mô được thực hiện một cách cụ thể, quyết liệt và chuyên nghiệp hơn, để nền công nghiệp thời trang Việt Nam không còn mông lung trong cuộc dạo chơi chậm chạp và không rõ phương hướng như hiện nay”, NTK Minh Hạnh trăn trở.
Ông Bùi Trọng Nguyên,Tổng thư ký Hội Dệt may thêu đan TPHCM:
Việt Nam vẫn đang chờ đợi một chiến lược phù hợp
Trình độ của ngành thời trang Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp so
với công nghiệp thời trang thế giới, thậm chí kém xa so với những nước
trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Nguyên nhân là do thời gian qua,
chúng ta chưa có chiến lược phát triển công nghiệp thời trang một cách
đúng hướng và có trọng tâm. Công nghiệp thời trang kém phát triển dẫn
đến tình trạng ngành dệt may trong nước trở thành khâu gia công giá rẻ
cho nước ngoài. Do không có chính sách bảo hộ thương hiệu thời trang
Việt, nên hàng lậu Trung Quốc tràn lan, các nhãn hiệu nước ngoài ồ ạt
tràn vào giành thế chủ động ngay trên sân nhà.Thị trường thời trang Việt Nam mở cửa khá trễ so với các nước. Từ những năm 1990, chúng ta mới bắt đầu quan tâm đến các xu hướng thời trang. Chính sự “lỡ nhịp” ban đầu đã làm cho thời trang của Việt Nam bị “chậm chân” so với thế giới. Ngành dệt may Việt Nam tuy có những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu hàng năm nhưng chủ yếu là gia công cho nước ngoài và sản xuất hàng may mặc cơ bản. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển thương hiệu thời trang riêng lại hay gặp khó khăn về chất liệu vải. Ngành công nghiệp thời trang Việt Nam muốn phát triển cần có chiến lược phát triển phù hợp, trong đó quan trọng nhất là nâng cao trình độ ngành công nghiệp may mặc. Ngành này cần liên tục đặt ra yêu cầu về sáng tạo vải, thiết kế mẫu mã, hoa văn đa dạng và mới mẻ để đáp ứng nhu cầu của ngành thời trang. Bên cạnh đó, yếu tố nhà thiết kế cũng cần được quan tâm đúng mức. Hiện nay, nhà thiết kế trẻ có nhiều sáng tạo nhưng do chưa có đủ kiến thức nền tảng và thiếu kinh nghiệm thực tế nên các thiết kế thời trang chưa thể ứng dụng thực tế và bắt kịp xu hướng thị trường. Nhà thiết kế ngoài việc được đào tạo bài bản, cần có sự tiếp xúc sâu rộng với ngành công nghiệp thời trang nước ngoài. Và đặc biệt quan trọng là Việt Nam đang thiếu một hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) để hỗ trợ cho các nhà thiết kế trong nước. Việc phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững là vô cùng cần thiết để chấm dứt tình trạng gia công giá rẻ và hàng nhập lậu tràn lan như hiện nay. Trong điều kiện hội nhập sâu rộng, Việt Nam có thể tận dụng công nghệ, nhân lực từ bên ngoài để phát triển công nghiệp thời trang nhanh hơn nhưng thách thức về việc giữ gìn bản sắc dân tộc luôn là yếu tố phải đảm bảo. Hiện chúng ta vẫn đang chờ đợi một chiến lược phù hợp từ những người có trách nhiệm... |
Nhà thiết kế Chương Đặng:
Ngành thời trang thiếu sự tương tác cần thiết để phát triển
Việc phát triển ngành công nghiệp thời trang là một yêu cầu bức
thiết, vì đây là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của một
quốc gia. Với dân số đông, mức sống ngày càng cao mà không phát triển
ngành công nghiệp thời trang sẽ là một sự lãng phí lớn. Hơn nữa, chính
ngành công nghiệp thời trang mới là nền tảng cho sự phát triển ngành
công nghiệp may mặc trong nước, giúp hạn chế tình trạng hàng nhập khẩu
tràn lan trên thị trường, nhất là hàng nhập lậu từ Trung Quốc.Không như ngành dệt may, ngành thời trang đòi hỏi không chỉ có tay nghề, sức lao động, khả năng tài chính hay tư duy công nghệ, mà còn đòi hỏi cao về nguồn lực sáng tạo và phông văn hóa tôn trọng sự khác biệt. Việt Nam có lượng khách hàng dồi dào sẵn sàng chạy theo xu hướng chung, nhưng lại hay e ngại sự khác biệt. Thị trường không khuyến khích sự phát triển đa chiều. Thị hiếu của khách hàng chỉ tập trung trong những định hướng từ phim ảnh, sách báo hay thông tin từ thời trang thế giới… chứ không có những khách hàng thực sự biết mình muốn gì, cần gì và truyền tải yêu cầu ấy cho đội ngũ các nhà thiết kế và xa hơn là những hãng thời trang. Từ đó, ngành công nghiệp thời trang thiếu sự tương tác cần thiết để duy trì, phát triển. Nhiều người cho rằng để có ngành công nghiệp thời trang thì cần nhiều yếu tố như: nhà thiết kế, nguyên liệu, sản xuất. Điều này đúng, nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là khách hàng. Khi thị trường có một nhu cầu rõ ràng với thời trang thì ngay lập tức nhu cầu đó sẽ được đáp ứng. Trong trường hợp nhà thiết kế Việt Nam không đủ thì có rất nhiều nhà thiết kế nước ngoài sẵn sàng đầu quân, tương tự là trường hợp về nguyên liệu. Ngành công nghiệp thời trang Việt Nam cần một thị trường lý tưởng và thị trường này cần rất nhiều thời gian để hình thành. Chúng ta phải ăn no, mặc ấm rồi mới hướng tới ăn ngon, mặc đẹp! Người ta có khuynh hướng làm theo những cái hay, cái đẹp một thời gian đủ dài rồi mới tự làm đẹp theo cách riêng của mình. Nói tóm lại, ngành công nghiệp thời trang đòi hỏi không chỉ sự đầu tư tài chính, công nghệ, nhân lực mà điều quan trọng hơn là phải thay đổi được cách tương tác với thị trường, phong cách sống và thậm chí cả văn hóa của khách hàng mà ngành công nghiệp hướng đến. |
No comments:
Post a Comment